Quy định về dữ liệu cá nhân của trẻ em theo Nghị định 13

Quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em theo Nghị định 13

Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em đã trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng và được quan tâm đặc biệt. Các chính sách và quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em đang ngày càng được thắt chặt để đảm bảo sự an toàn thông tin và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Bài viết này sẽ đi sâu vào các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi chúng để bảo vệ quyền lợi của những nhóm đối tượng yếu thế này trên mạng.

Khái niệm về dữ liệu cá nhân của trẻ em

Khái niệm “trẻ em” trong pháp luật Việt Nam được hiểu là người dưới 16 tuổi, theo quy định tại Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016. Khái niệm này bao gồm cả trẻ em Việt Nam và trẻ em nước ngoài cư trú tại Việt Nam, không phân biệt quốc tịch.

Vậy dữ liệu cá nhân của trẻ em là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân:

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc thông tin hình thành từ hoạt động của cá nhân mà khi kết hợp với các dữ liệu, thông tin lưu trữ khác có thể xác định một con người cụ thể.

Trên cơ sở đó, ta có thể định nghĩa dữ liệu cá nhân của trẻ em là những thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một trẻ ẹm cụ thể hoặc giúp xác định một trẻ em cụ thể. Dữ liệu cá nhân của trẻ em cũng bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Ví dụ về dữ liệu cá nhân của trẻ em:

  • Dữ liệu cá nhân cơ bản: Họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh, kết quả học tập, thông tin về cha mẹ hoặc người giám hộ,…
  • Dữ liệu cá nhân nhạy cảm: Thông tin về sức khỏe, thông tin về nguồn gốc chủng tộc, dân tộc, tôn giáo,…
du lieu ca nhan cua tre em la gi
Dữ liệu cá nhân của trẻ em là gì?

Đặc điểm dữ liệu cá nhân của trẻ em

Xuất phát từ những đặc điểm của trẻ em, dữ liệu cá nhân của trẻ em cũng có những đặc điểm đặc thù riêng biệt:

Tính nhạy cảm cao: Dữ liệu cá nhân của trẻ em thường bao gồm nhiều thông tin nhạy cảm như tình trạng sức khỏe, kết quả học tập, thông tin gia đình, hình ảnh,… Những thông tin này, nếu bị tiết lộ hoặc sử dụng sai mục đích, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và an toàn của trẻ.

Tính dễ bị tổn thương: Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại, lừa đảo và lợi dụng. Do đó, dữ liệu cá nhân của trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt để tránh bị sử dụng vào các mục đích xấu như lạm dụng tình dục, bắt cóc, tống tiền,…

Tính đặc thù: Dữ liệu cá nhân của trẻ em có tính đặc thù do liên quan đến quá trình phát triển của trẻ. Việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em cần được thực hiện một cách thận trọng, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Tính phụ thuộc: Trẻ em thường chưa có đủ nhận thức và khả năng tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Do đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em cần sự chung tay của cha mẹ, người giám hộ, nhà trường và xã hội.

Tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em

Từ những đặc điểm mà DPVN đã phân tích trên, có thể thấy việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em là vô cùng quan trọng. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và thông tin cá nhân của trẻ nếu bị tiết lộ hoặc sử dụng sai mục đích, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển và an toàn của trẻ. Hơn nữa, việc lạm dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến danh tiếng và cơ hội của trẻ sau này. Vì vậy, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em không chỉ là bảo vệ thông tin mà còn là bảo vệ quyền riêng tư, sự an toàn và tương lai của trẻ.

Quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em

Trẻ em là những chủ thể còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt về mọi mặt. Từ trước đến nay, Đảng và nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới trẻ em. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Trong bối cảnh số hóa hiện nay, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em càng trở nên cấp thiết.
Chính vì vậy, Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em và đặt ra các quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em tại Điều 20. Cụ thể:

Nguyên tắc: Tất cả hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ quyền lợi và đặt lợi ích tốt nhất của trẻ em lên hàng đầu.

Ví dụ: Trường học không được phép chia sẻ thông tin về điểm số của học sinh lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, vì điều này có thể gây tổn hại đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Sự đồng ý: Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em từ 7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của chính trẻ và của cha mẹ hoặc người giám hộ. Các bên liên quan phải xác minh tuổi của trẻ trước khi xử lý dữ liệu.

Ví dụ: Một ứng dụng trò chơi trực tuyến yêu cầu trẻ em từ 7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ trước khi có thể tạo tài khoản và cung cấp thông tin cá nhân.

Các trường hợp ngừng xử lý, xóa hoặc hủy dữ liệu:

Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, Dữ liệu cá nhân của trẻ em phải được ngừng xử lý, xóa hoặc hủy trong các trường hợp sau:

  • Dữ liệu được xử lý không đúng mục đích hoặc đã hoàn thành mục đích mà không có quy định pháp luật khác cho phép tiếp tục lưu trữ.

Ví dụ: Một trung tâm ngoại ngữ đã kết thúc khóa học và không còn cần sử dụng thông tin của học sinh nữa thì phải xóa bỏ dữ liệu cá nhân của các em.

  • Cha mẹ hoặc người giám hộ rút lại sự đồng ý.

Ví dụ: Cha mẹ của một học sinh không muốn cho phép trường học sử dụng hình ảnh của con mình trong các hoạt động quảng bá nữa thì có quyền yêu cầu nhà trường xóa bỏ hình ảnh đó.

  • Cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu khi có đủ căn cứ chứng minh việc xử lý dữ liệu gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Ví dụ: Khi có đủ căn cứ chứng minh một trang web thu thập thông tin cá nhân của trẻ em mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, cơ quan chức năng có thể yêu cầu trang web đó xóa bỏ thông tin đó.

Tìm hiểu thêm về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý dữ liệu cá nhân

Dữ liệu cá nhân của trẻ em là thông tin nhạy cảm, dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ đặc biệt. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức và giáo dục cho trẻ em về cách tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Liên hệ với DPVN để được tư vấn miễn phí
Hotline 0982976486